"DÀNH NHIỀU THỜI GIAN CHO CÂY ĐIỀU"
Cát Tiên được biết đến là một huyện thuần nông với 2 loại cây chủ lực, đó là cây lúa và cây điều, tuy nhiên, 3 năm trở lại đây (2017-2019) do ảnh hưởng của thời tiết cùng với sự thiếu đầu tư, chăm sóc, nên đã xuất hiện dịch Bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại trên diện tích điều tại địa bàn (cụ thể: năm 2017 năng suất điều đạt 5,97 tạ/ha; năm 2018 năng suất đạt 2,4 tạ/ha; năm 2019 năng suất đạt 4,15 tạ/ha). Theo người dân cho biết, đây là lần đầu tiên trên địa bàn huyện bị thất thu điều do dịch bệnh này và tác động ảnh hưởng lại kéo dài thời gian như vậy.
Hiện nay, điều đang bước vào giai đoạn phát đọt, ra hoa, đậu trái (giống điều chủ yếu trên địa bàn huyện là PN1, AB29, AB5058). Theo dự báo mùa khô năm nay có thể xuất hiện mưa trái mùa, vì thế, để có một vụ điều năng suất, chất lượng, tại buổi chào cờ đầu tháng 10/2019, ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên đã chỉ đạo trong sản xuất trồng trọt "dành nhiều thời gian cho cây điều", các cơ quan chuyên môn cần khuyến cáo, hướng dẫn người dân trồng điều một số biện pháp chăm sóc điều đạt hiệu quả, để giảm thiệt hại tối đa khi thời tiết bất lợi gây ra.
Vâng! Vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích cây điều trên địa bàn huyện đang ra chồi và khả năng phát triển hoa, tạo quả bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tháng 3 năm sau, rộ nhất là tháng 1,2/2020, do vậy khi thấy vườn điều rụng lá khoảng 20%, bà con có thể sử dụng chất kích thích sinh trưởng để phun, nhằm giúp cây rụng lá đồng loạt, tập trung dinh dưỡng cho cây phát đọt, ra hoa đều, tăng khả năng đậu trái.
Vườn điều được tái tạo sau dịch bệnh
Đối với sâu bệnh hại ở mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển, đối tượng gây hại cây điều khác nhau. Giai đoạn chồi non: sâu bệnh phổ biến thường là bọ đục nõn, bọ xít muỗi, bệnh thán thư làm cho các chồi non bị héo khô giảm khả năng ra hoa đậu trái; Giai đoạn ra bông: sâu bệnh phổ biến giai đoạn này chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ trĩ, bệnh thán thư làm cho bông bị héo khô không còn khả năng đậu trái; Giai đoạn hình thành trái non: sâu bệnh chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ trĩ, sâu đục trái, bệnh thán thư. Do đó, trong thời gian cây điều ra hoa, đậu trái, nông dân phải thường xuyên thăm vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ, kiểm tra, phát hiện và có kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Hàng năm, sau thu hoạch, nông dân cần tỉa cành, tạo tán thông thoáng để hạn chế sâu đẻ trứng. Nếu có điều kiện, nông dân có thể thả kiến vống vàng, ong mắt đỏ cùng các loại thiên địch ăn sâu; xông khói trong vườn điều, thu gom cành lá có ổ trứng và sâu non mới đem tiêu hủy; đồng thời, dùng bẫy đèn thu hút sâu trưởng thành để tiêu diệt.
Khi dùng thuốc Bảo vệ thực vật cần lưu ý phải theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc; đúng cách; đúng thời điểm; đúng nồng độ và liều lượng; thường xuyên thăm vườn để phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại và có kế hoạch phòng, trừ kịp thời; Giai đoạn hoa chưa nở, trái mới lộn bằng hạt đậu nên phun thuốc vào chiều mát (sau 15 giờ 30 phút), phun sương mịn để đạt hiệu quả cao và hạn chế xịt thuốc trong giai đoạn hoa nở rộ; Không đốt lá trong vườn tránh gây hại bộ rễ và côn trùng, vi sinh vật có lợi; Khi gặp thời tiết ngày nắng nóng, đêm lạnh có sương mù nhiều có thể hun khói vào sáng sớm và chiều tối để xua đuổi bọ xít muỗi và làm nhanh tan sương mù. (Chất lá thành đống nhỏ trong vườn làm ẩm lá và hun khói không để lửa bùng to; quản lý lửa tốt khi hun khói phòng chống cháy lan trong vườn, dập tắt lửa khi có ánh nắng mặt trời lên); Khi gặp thời tiết mưa trái mùa nên theo dõi vườn thường xuyên để có hướng xử lý kịp thời, cần chú ý các đối tượng như bọ xít muỗi, bệnh thán thư, bọ vòi voi đục nõn, bọ cánh cứng, sâu que có thể phát triển mạnh; Thời kỳ trái non cần chú ý đến sâu đục quả, nên thăm vườn thường xuyên để phát hiện có bướm chấm hoa bay trong vườn cần xử lý thuốc BVTV kịp thời; Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động khi phun thuốc; Lắc đều và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Không ăn uống khi phun thuốc, không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, đặc biệt là mắt; Rửa sạch dụng cụ lao động, quần áo, bình bơm sau khi phun thuốc; Không đổ thuốc thừa ra nguồn nước sinh hoạt, không vứt bừa bãi hoặc sử dụng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng với mục đích nào khác.
Xác định điều là cây khó có thể thay thế ở huyện Cát Tiên, bởi địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu cùng với tập quán canh tác, nên trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Cát Tiên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chuyên môn tìm hiểu, nghiên cứu để có bộ giống phù hợp, đồng thời, có kế hoạch cải tạo, thay thế giống điều cũ trên từng chân đất. 3 năm qua, mặc dù dịch bệnh đã xảy ra trên cây điều, song với quyết tâm cao nhất, huyện tiếp tục động viên, khuyến khích bà con nông dân thực hiện các giải pháp để tái tạo vườn điều, đồng thời, cập nhật kiến thức về phòng chống sâu bệnh hại, để tiếp tục giữ vững diện tích điều hiện có, nhằm ổn định thu nhập cho bà con, không vì suy nghĩ "dễ làm, khó bỏ". Hy vọng với những định hướng và giải pháp trọng yếu, đồng bộ trong việc phát triển cây điều trên địa bàn, vụ Đông Xuân 2019 - 2020 Cát Tiên sẽ có vụ điều thắng lợi trên cả 2 mặt: năng suất và sản lượng.