Hiệu quả mô hình trồng sầu riêng xen trong vườn măng cụt

26.10.2022 09:5966 đã xem

Huyện Đạ Huoai là vùng cây ăn trái của tỉnh Lâm Đồng, ngoài thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai thì cây măng cụt cũng đang từng bước khẳng định giá trị của mình.

 

Từ năm 2010, thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Đạ Huoai đã bắt đầu đưa cây măng cụt vào trồng thí điểm tại một số xã. Kết quả cho thấy, cây măng cụt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Đến nay, diện tích măng cụt của huyện khoảng 330ha. Trước sự lên xuống của giá cả thị trường, tác động của biến đổi khí hậu thì đa dạng hóa cây trồng trên một đơn vị diện tích là mô hình canh tác nông lâm kết hợp chứng tỏ sự thích ứng, hiệu quả, bền vững và đang được người dân học hỏi nhân rộng. Ở thôn 2, xã Đạ Ploa có mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cây măng cụt hiệu quả của anh Nguyễn Phương Triên là một dẫn chứng cụ thể.

Trên diện tích đất dưới chân đồi bằng phẳng 1,6ha, anh Triên trồng khoảng 300 cây măng cụt và trồng xen thêm 70 cây sầu riêng. Anh Triên cho biết: “Anh trồng măng cụt cách đây 18 năm (cây cho thu hoạch được 9 năm), sau đó nhận thấy trồng một loại cây sẽ có nhiều rủi ro nên anh đã trồng xen thêm sầu riêng (sầu riêng được 13 tuổi) trong vườn măng cụt. Trồng hai loại cây trên một đơn vị diện tích, cây sầu riêng ở tầng trên, cây măng cụt ở tầng dưới góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường”. Sầu riêng anh trồng là giống có chất lượng được thị trường ưa chuộng như giống Monthong, Ri6. Điểm khác biệt, anh không mua cây giống sầu riêng ghép để trồng mà anh trồng cây hạt, khi cây đủ tiêu chuẩn ghép, anh tiến hành ghép tại vườn; chồi ghép anh tuyển chọn từ những cây sầu riêng đã cho thu hoạch trái ổn định của những vườn sầu riêng trong vùng. Anh ghép mắt và có tỷ lệ sống rất cao, đây là thành quả lao động của một quá trình học hỏi kinh nghiệm và thực hành kỹ thuật ghép của anh.

Anh cho biết, chăm sóc vườn măng cụt, sầu riêng có cái khó, cái dễ của từng loại cây. Đối với cây măng cụt cần có kinh nghiệm, thường xuyên thăm vườn để khi vườn cây hay thời tiết thay đổi (mưa nhiều…) sẽ có chế độ chăm sóc bón phân, phun dưỡng trái hợp lý, bón nhiều phân hữu cơ để hạn chế được hiện tượng xì mủ. Ngoài trồng cây măng cụt, sầu riêng (trên diện tích 1,6ha), anh trồng xen mít Thái ở vườn sầu riêng mới trồng. Theo anh tính toán: “Cây mít có thu nhập trước sẽ nuôi cây sầu riêng”. Đối với cỏ lá rộng trong vườn, anh không dùng thuốc diệt cỏ mà dùng máy cắt cỏ để vừa trả lại chất hữu cơ cho đất, vừa bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Vào mùa khô, anh giữ lại thảm cỏ góp phần giữ độ ẩm cho đất. Để việc thoát nước tốt vào mùa mưa, ở giữa vườn, anh đào mương thoát nước. Ngoài ra, để việc chăm sóc cây thuận tiện, anh lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Anh Triên cho biết, hai giống cây này rất cần nước, nước tưới phải đủ nhưng không được úng. Việc lắp đặt hệ thống tưới giúp giảm chi phí sản xuất, vừa bớt công lao động lại tiết kiệm nước. 

Trong năm 2020, gia đình anh thu được 7,5 tấn quả măng cụt (do mất mùa, thường hàng năm anh thu hoạch khoảng 13 tấn quả), với giá bán trung bình khoảng 30.000 đồng/kg. Sầu riêng thu được 11 tấn quả, với giá bán trung bình khoảng 35.000 đồng/kg. Như vậy tổng doanh thu trên diện tích 1,6 ha khoảng 600 triệu đồng. Đây là một nguồn thu không nhỏ trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Ngoài trồng cây măng cụt, sầu riêng, mít thái, anh Triên đã bố trí khoảng 01ha đất ở triền đồi để trồng cây ươi bay (cây được 17 năm tuổi, cho thu hoạch sản phẩm lâm sản ngoài gỗ là hạt ươi - một loại dược liệu). Rừng ươi không những có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị về môi trường. Vườn của nhà anh Triên là mô hình đa cây có hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân đã đến tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Trong xã Đạ Ploa nói riêng và ở huyện Đạ Huoai nói chung, mô hình đa cây đã được người dân nhân rộng nhiều. Điều này chứng tỏ hiệu quả kinh tế và tính bền vững của mô hình nông lâm kết hợp nhiều tầng tán. Anh Triên nói: “Làm nông dân thời nay là phải chịu khó học hỏi và áp dụng cái mới vào sản xuất nông nghiệp mới đạt được hiệu quả kinh tế cao”.

Văn Diện - TTKN Lâm Đồng

Tin tức khác